Khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều rơi vào tình thế ngặt nghèo thì lấy ai ra mua hàng của Trung Quốc.
Ảnh: Nikkei Asian Revie
Những người cảm thấy lạc quan về triển vọng của Trung Quốc đã có một tuần rất tuyệt vời: Lĩnh vực sản xuất – vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế – đã trở lại phạm vi tăng trưởng.
Nikkei Asian Review cho rằng khoảnh khắc vui vẻ không tồn tại lâu và nhường chỗ cho những thực tế khắc nghiệt trên toàn cầu.
Chỉ số PMI của Trung Quốc tăng mạnh từ mức thấp kỷ lục 35,7 lên 52 trong tháng 3/2020 và đây là một thông tin tốt lành hiếm hoi trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, đà hồi phục tạm thời từ mức thấp không phải là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi theo hình chữ “V” từ cú sốc Covid-19.
Có một số lý do rõ rằng để không đặt niềm tin vào đà hồi phục của chỉ số PMI Trung Quốc. Ít nhất thì các nhà kinh tế đồng tình rằng cần ít nhất 3 tháng để thấy rõ xu hướng. Quan trọng hơn là nếu Trung Quốc thực sự hồi phục và sản xuất trở lại thì ai sẽ là người mua hàng của họ?
Đó không phải là những người tiêu dùng nội địa tại một quốc gia đã bị phong tỏa trong 3 tháng trời. Bên cạnh việc mất thu nhập và các biện pháp giới hạn di chuyển, 1,4 tỷ người dân Trung Quốc có lý do để lo sợ về làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai. Trong bối cảnh này, đây không phải là môi trường thuận lợi để đi du lịch, ăn ngoài và mua túi xách, điện thoại thông minh hoặc căn hộ.
Những người mua đóng vai trò quan trọng là những quốc gia lớn và nhiều trong số những quốc gia này đang giảm tốc còn kinh hoành hơn cả Trung Quốc. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, Goldman Sachs kỳ vọng GDP quý 2/2020 sẽ giảm kỷ lục 34% và tỷ lệ thất nghiệp lên mức 15%.
Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng nguy cấp. GDP của xứ sở hoa anh đào đã giảm 7,1% trong quý 4. Hiện nền kinh tế lớn thứ hai tại châu Á đang phải vật lộn với xu hướng giảm kéo dài của hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI của Nhật Bản ở mức 44,8 – nằm trong phạm vi thu hẹp.
Nguồn: Nikkei Asian Review |
Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại châu Á đang rớt mạnh. Thật vậy, chỉ số PMI sản xuất của nhiều nước châu Á đang ở dưới ngưỡng 50, bao gồm Hàn Quốc (44,2), Việt Nam (41,9) và Philippines (39,7).
Trên thực tế, cả thế giới đang chứng kiến hàng loạt dữ liệu kinh tế đầy ảm đạm. S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc xuống quanh 0,4%, tức mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1982. Paul Gruenwald, nhà kinh tế tại &P Global Ratings, cảnh báo “hoạt động kinh tế sẽ suy yếu rất mạnh”, nhưng nhiêu đó chưa thể diễn ra hết tình trạng hiện tại.
Trong bối cảnh này, thật khó mà biết được Trung Quốc sẽ xuất khẩu hàng hóa cho ai.
Dĩ nhiên, Trung Quốc đã từng vực dậy chính mình và cả thế giới ra khỏi khủng hoảng trước đây, hãy nhìn lại những gì Trung Quốc làm được trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và trong đại dịch SARS năm 2003-2004. Sự hồi sinh của Trung Quốc trong thời kỳ hậu Lehman Brothers thật đáng kinh ngạc. Hàng chục ngàn tỷ USD đổ vào dự án cơ sở hạ tầng, tạo tín dụng và trái phiếu chính quyền địa phương đã giữ tăng trưởng Trung Quốc ở mức 6% (hoặc cao hơn) trong thập kỷ vừa qua.
Tuy vậy, tất cả những biện pháp kích thích quyết liệt đó đã khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc trở nên mong manh hơn và thậm chí bị phụ thuộc nhiều hơn vào các gói kích thích. Vào ngày 30/03, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất mạnh nhất trong gần 5 năm. Mức giảm lãi suất 20 điểm cơ bản xuống 2,2% cho thấy một tín hiệu chẳng lành về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Mỗi tổ chức lại đưa ra góc nhìn khác nhau về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng nhìn chung là đều giảm. Kết quả khảo sát gần đây của Nikkei cho thấy GDP Trung Quốc có thể giảm 3,7% trong quý đầu năm 2020 và tăng trưởng 3,3% trong cả năm 2020. Fitch Ratings dự báo GDP Trung Quốc giảm 4% trong quý 1/2020, lưu ý rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sắp chứng kiến đà giảm tốc mạnh nhất kể từ thời của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí còn bi quan hơn về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020, dự báo tăng trưởng chỉ 2,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 6,1% của năm 2019. Hai tháng trước, WB còn dự báo Trung Quốc đóng góp 5,9% trong nhu cầu toàn cầu.
Đối với một nền kinh tế nợ cao, mất cân bằng và có mức tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, con số tăng trưởng 2,3-3,3% đã được coi là suy thoái rồi.
Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, Trung Quốc sẽ cần phải tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực kích thích kinh tế, nhưng trong một thế giới thiếu đi các động cơ kinh tế, việc này khó mà thành công. Trung Quốc sẽ thúc đẩy chi tiêu tài khóa, bơm tín dụng và chỉnh sửa chính sách thuế để trấn an các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang trong thế khó khăn.
Dù vậy, nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc vẫn đang tình thế dễ tổn thương. Dường như chẳng có chính quyền nào tin vào lời khẳng định “Trung Quốc đã đánh bại đại dịch Covid-19” của ông Tập. Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới sắp bước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc sẽ rơi vào thế khó khăn.
Khi khó khăn ngày càng chồng chất, ông Tập có thể hoài cổ nhìn lại quá khứ năm 2018 và năm 2019, thời điểm mà nỗi lo ngại lớn nhất của ông là về hàng rào thuế quan của Mỹ.
Ngày nay, tác động của dịch Covid-19 còn lớn hơn hàng rào thuế quan rất nhiều. Giữa cơn hỗn loạn, việc Trung Quốc hồi phục theo hình chữ “U” là đã may mắn lắm rồi chứ đừng nói gì đà hồi phục theo chữ V.
Nguồn:
https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/nikkei-asian-review-hoat-dong-san-xuat-co-the-hoi-phuc-manh-nhung-gio-trung-quoc-xuat-khau-hang-cho-ai-day-3334088/