Từ buổi bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp, những quốc gia không may mắn có dự trữ dầu khổng lồ nay cũng có thể trở nên giàu có: Bằng cách trở nên thật xuất sắc về mặt sản xuất.
Phó Giáo sư Noah Smith tin rằng đã đến lúc các quốc gia như Việt Nam và Bangladesh chiếm lấy thị phần về các ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Các quốc gia như Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà sản xuất đẳng cấp thế giới từ lâu trước khi các nền kinh tế này bắt đầu chuyển dịch theo hướng dịch vụ. Gần đây hơn, những quốc gia gần phất triển như Malaysia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Romania, Thái Lan và Mexico cũng đã củng cố thêm năng lực sản xuất.
Các nhà kinh tế như Ha-Joon Chang và Dani Rodrik, cũng như những nhà văn như Joe Studwell, đã tranh luận rằng ý định củng cố sản xuất hàng xuất khẩu đóng vai trò cực kỳ quan trọng của kiểu phát triển này. Trong nghiên cứu năm 2008, ông Rodrik đã tóm gọn lại phần lớn bằng chứng thực nghiệm và trường hợp lý thuyết ủng hộ cho các chính sách công nghiệp.
Ông ấy viết: “Phát triển về cơ bản là sự thay đổi cấu trúc” hướng về sản xuất các sản phẩm giá trị cao và có thể xuất khẩu – phần lớn thường là sản phẩm chế tạo. Việc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng buộc các nhà sản xuất tại một quốc gia nâng cao năng suất và cho phép họ áp dụng các công nghệ nước ngoài tân tiến.
Theo Phó Giáo sư Noah Smith, chuyên gia về kinh tế-tài chính Mỹ, hàng loạt quốc gia đang cố gắng thực thi ý tưởng này. Hai ví dụ điển hình là Việt Nam và Bangladesh, hai nước đã chứng kiến tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây:
Việt Nam và Bangladesh tăng trưởng mạnh về GDP thực trên đầu người. Nguồn: Bloomberg |
“Hồ sơ” công nghiệp của Việt Nam và Bangladesh trông có vẻ đang ở nấc thang đầu tiên trong bảng xếp hạng sản xuất. Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là thiết bị điện tử và quần áo, trong khi Bangladesh là quần áo và hàng may mặc.
* Apple, Microsoft, Google muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng nào có dễ
Thế nhưng, đáng lo ngại hơn, ông Rodrik đã tranh luận trong vài năm rằng cánh cửa để phát triển thành công nhờ vào sản xuất đã khép lại. Trong bài trình bày năm 2016 với tựa đề “Liệu kỷ nguyên phép màu tăng trưởng đã qua?”, ông Rodrik cho rằng các quốc gia như Trung Quốc và Malaysia sẽ là những quốc gia cuối cùng sử dụng hoạt động sản xuất để bứt phá từ nghèo khó sang giàu có.
Tranh luận của ông Rodrik chủ yếu dựa trên bằng chứng thực nghiệm. Hầu hết quốc gia rồi sẽ chuyển từ sản xuất sang dịch vụ sau khi trở nên giàu có. Tuy nhiên, ông Rodrik quan sát được rằng trong vài thập kỷ gần đây, xu hướng dịch chuyển này đã và đang xảy ra ngày càng sớm. Vì vậy, nhiều quốc gia hiện tại bắt đầu chuyển sang dịch vụ trước khi họ hoàn toàn công nghiệp hóa.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy hiện tượng tương tự. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2015 của các nhà kinh tế Douglas Gollin, Remi Jedwab và Dietrich Vollrath phát hiện ra rằng, ở nhiều quốc gia đang phát triển, quá trình đô thị hóa thôi thúc người dân nghèo rời khỏi các trang trại để làm việc trong các công ty dịch vụ thay vì nhà máy.
Đối với các quốc gia như Việt Nam và Bangladesh, đây là một tin xấu. Theo ông Noah Smith, nếu ông Rodrik đúng, sự bùng nổ về năng lực sản xuất của Việt Nam và Bangladesh có thể sớm tiêu tan và họ sẽ nhận ra mình đang đi theo chân của những quốc gia như Indonesia, Nigeria, và Brazil – nơi tỷ trọng sản xuất trong GDP đang ngày càng giảm.
Đảo ngược quá trình công nghiệp hóa. Nguồn: Bloomberg. |
Vậy đâu là lý do cho làn sóng phi công nghiệp hóa này? Một lời giải thích rõ ràng là tự động hóa. Nếu robot đang thay thế phần sản xuất hàng cấp thấp trong chuỗi cung ứng, thì những người lao động nghèo khổ và không có kỹ năng cao – những người chỉ có thể làm trong các ngành sản xuất hàng cấp thấp như may mặc, đồ chơi và láp ráp thiết bị điện tử – không còn có lợi thế cạnh tranh nữa.
Các quốc gia nghèo có lẽ sau đó sẽ chuyên về xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu dịch vụ giá trị thấp – như trung tâm nghe gọi – và để các quốc gia phát triển có công cụ máy móc và robot làm những công việc thủ công.
Thế nhưng, ông Noah Smith cho rằng cũng có nhiều lý do hợp lý để nghi ngờ về quan điểm này. Mối liên kết giữa tự động hóa và việc làm cũng rất mong manh; một số nghiên cứu phát hiện ra robot công nghiệp thay thế người lao động, nhưng một số nghiên cứu khác nhận ra chúng cũng giúp gia tăng việc làm, bao gồm cả những công việc cần kỹ năng thấp.
Quan trọng hơn, giai đoạn nghiên cứu cũng không phải là giai đoạn để công nghệ đóng vai trò chủ lực trong câu chuyện tăng trưởng.Phần lớn bằng chứng mà ông Rodrik đưa ra – bao gồm ở Nigeria và Brazil – đã xảy ra trong thập niên 80 và 90. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực sản xuất trong các ngành thâm dụng lao động và bắt đầu câu chuyện tăng trưởng thần kỳ. Vì vậy, dường như có một điều gì khác đang diễn ra ở những nước đảo ngược quá trình công nghiệp hóa.
Nhiều trong số những quốc gia này có thể chỉ đơn thuần là bị rối loạn và công nghiệp hóa chưa hoàn toàn. Chẳng hạn, ở châu Phi, nhiều quốc gia sử dụng chính sách thay thế nhập khẩu bằng hàng trong nước, đồng thời sử dụng các nhà máy kém hiệu quả của Nhà nước. Brazil cũng sử dụng cách tương tự. Đây là một dạng rất khác của chính sách công nghiệp thúc đẩy năng suất và tập trung xuất khẩu mà các nhà kinh tế Rodrik, Chang hoặc Studwell đề xuất.
Và sau đó, khi những làn sóng công nghiệp hóa đẩy một số quốc gia vào cảnh nghèo đói, họ thường mở cửa biên giới để nhập khẩu – từ đó giảm bớt quy mô của các ngành công nghiệp kém hiệu quả trong nước.
* Liệu kinh tế Trung Quốc có thể chống chọi với virus corona?
Ảnh: Vũ Hạo |
Bên cạnh những sai làm về chính sách, quá trình công nghiệp hóa của chính Trung Quốc có lẽ đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện này. Năng lực sản xuất đáng kinh ngạc của Trung Quốc có thể đã thôi thúc các công ty đa quốc gia ngoảnh mặt với các quốc gia chậm chân hơn như Indonesia, từ đó bóp nghẹt các ngành công nghiệp đang còn non trẻ tại quốc gia này. Đáng chú ý, ông Rodrik nhận ra, nhìn chung, các quốc gia Đông Á không chứng kiến quá trình phi công nghiệp hóa sớm như các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới.
Các nhà kinh tế Paul Krugman, Masahisa Fujita, và Anthony Venables đã tạo ra một lý thuyết kinh tế để giải thích cho chuyện này. Họ dự báo rằng khi nền kinh tế thế giới phát triển, các khu vực công nghiệp hóa không công nghiệp hóa cùng lúc, hết quốc gia này đến quốc gia khác. Nếu điều này đúng, khi các quốc gia khác lẽ ra không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chờ Trung Quốc hoàn tất phép lạ tăng trưởng trước khi bắt đầu câu chuyện của họ.
Ông Noah Smith cho rằng thời điểm đó có lẽ đã tới rồi. Nhờ chi phí ngày càng tăng tại Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và mong muốn đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia khi đối mặt vối mối đe dọa từ virus corona, có lẽ đã đến lúc các quốc gia như Việt Nam và Bangladesh chiếm lấy thị phần về các ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Thậm chí các quốc gia đã phi công nghiệp hóa – như Indonesia – giờ đã có cơ hội thứ hai. Các quốc gia nghèo không nên từ bỏ giấc mơ phát triển dựa trên sản xuất.
* Virus corona giáng đòn chí tử vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Nguồn Bloomberg