TTO – Lần đầu tiên kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng và sắp đi vào hoạt động ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Công trình dưới độ sâu từ hơn 100m đến gần 200m so với mực nước biển, với sức chứa khổng lồ 240.000 tấn.
Những ngày này, công trình kho ngầm chứa LPG của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang hối hả thi công để kịp tiến độ. Đây là hạng mục quan trọng của dự án nhà máy sản xuất polypropylene do Hyosung Vina làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1,35 tỉ USD.
Hầm chứa dưới lòng đất
Lúc chúng tôi đến miệng giếng thi công, hai chiếc thang vận, mỗi chiếc có tải trọng 50 tấn, đang lên xuống liên tục. Thang vận to lớn, chở nặng nhưng chạy êm ru. Người trên thang vận có cảm giác như không biết mình đang di chuyển. Trên thùng những xe ben từ lòng đất “chui” lên là những khối đá được lấy lên ở độ sâu gần 200m.
Trao đổi với chúng tôi, chủ đầu tư cho biết đến nay kho ngầm chứa LPG sắp hoàn thành với 95% khối lượng công việc đã xong. Dự kiến tháng 6-2021, kho ngầm chứa khí LPG sẽ được cô lập. Việc xuất – nhập khí LPG sẽ được thực hiện bởi hàng chục loại ống đặc chủng, máy bơm. Lúc đó, các đường xuống hầm đều được bịt lại, “niêm phong” bằng bốn “nút” bêtông dày 5m. Và mọi hoạt động liên quan đến kho ngầm đều giám sát bằng các cảm biến đo áp suất, địa chấn.
Trước đây, khu đất rộng hơn 60ha của dự án chỉ là vùng sình lầy. Nhưng đến những ngày cuối tháng 4-2021 này, các nhà máy, những bồn chứa khí, tháp tách khí đồ sộ đã mọc lên. Đặc biệt, ở sâu bên dưới cụm nhà máy ấy là hai kho ngầm chứa khí lớn nhất Đông Nam Á.
Vì sao phải thiết kế kho ngầm chứa LPG dưới lòng đất ở vùng sình lầy, ngập mặn? Theo giải thích của các chuyên gia đang thi công kho ngầm, khảo sát địa chất cho thấy khoảng từ mặt đất xuống sâu 60m là bùn, đất mềm. Nhưng từ 60m sâu xuống tiếp là đá granite cứng chắc. Ông Wie Chol Ryang – giám đốc điều hành kho ngầm – khẳng định kho ngầm này có độ an toàn gần như tuyệt đối, kể cả động đất, sóng thần hay núi lửa. Đó là điều kiện tiên quyết để Hyosung triển khai kho ngầm.
Nữ kỹ sư trẻ Phạm Thị Hồng – nhân viên điều hành của kho ngầm – cho chúng tôi biết thêm ngoài nằm ở dưới độ sâu từ hơn 110m đến gần 200m so với mực nước biển, được bao bọc bởi lớp đá cứng, kho ngầm còn được thiết kế, thi công theo hình dáng quả trứng để áp suất không tập trung vào một điểm mà phân bố đều. Cộng thêm các yếu tố kỹ thuật an toàn khác để LPG được cất chứa trong kho ngầm không bị rò rỉ ra ngoài.
Đặc biệt, khu vực này lại gần sông nước sâu để có thể làm cảng. Ông Wie Chol Ryang nói thêm kho ngầm này có tuổi thọ 50 năm và sau 50 năm nếu thay hệ thống đường ống và các bộ phận phụ trợ thì có thể kéo dài. Và đặc biệt, ông Kim Young Ki – phó tổng giám đốc Hyosung Vina – cho biết chi phí để xây dựng kho ngầm tiết kiệm hơn xây dựng kho nổi, trong khi hiệu suất sử dụng đất cao.
Dấu ấn Việt ở công trình tỉ đô
Chúng tôi đến công trình kho ngầm LPG được những kỹ sư trẻ người Việt giúp đỡ tận tình. Họ giới thiệu kho ngầm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án từ việc nhập khẩu về cảng, đưa vào kho ngầm rồi đến các nhà máy phối trộn, xuất đi.
Kỹ sư Phạm Thị Hồng mới tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, đã làm việc cho Hyosung Vina hơn một năm nay. Cô cho biết mình rất vui khi vượt qua các vòng thi tuyển của chủ đầu tư để đảm nhiệm vai trò vận hành kho ngầm. Tuy kho chưa hoạt động nhưng cô đã nắm rất sâu, rất kỹ những nguyên lý, nguyên tắc hoạt động, nhất là các điều kiện về an toàn.
Nữ kỹ sư này cho biết nhìn các đồng nghiệp đang điều khiển nhà máy polypropylene 1 hoạt động từ tháng 2-2020, cô thấy rằng các bạn kỹ sư trẻ Việt Nam làm việc rất tốt, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của chủ đầu tư. Còn kỹ sư xây dựng Hoàng Trung (36 tuổi), người giám sát dự án kho ngầm cho Hyosung Vina, cho biết anh rất vui khi được làm việc tại một công trình hầm ngầm sâu dưới lòng đất.
Khách đến tham quan kho ngầm, anh Trung trở thành hướng dẫn viên. “Ít ai có vinh dự được chủ đầu tư nước ngoài tin tưởng giao cho giám sát thi công kho ngầm lớn thế này. Nên mình rất vui và tự hào khi được làm việc tại công trình có một không hai ở Việt Nam” – kỹ sư Trung tâm sự.
Nói về kỹ sư, công nhân người Việt, ông Wie Chol Ryang – người từng có kinh nghiệm thi công hai kho ngầm chứa khí ở Hàn Quốc từ hàng chục năm trước – cho biết nhân sự Việt rất chăm chỉ, thân thiện và có kỹ thuật tốt, nhất là kỹ thuật hàn chất lượng cao. Ông cũng rất thích người Việt vì hòa đồng và có tư duy, tính cách tương đồng người Hàn Quốc.
Công trình có nhiều cái nhất
Kho ngầm chứa LPG gồm hai hầm khí đều có vòm mái và hình dáng như quả trứng. Trong đó, điểm sâu nhất của kho ngầm chứa khí propnane nằm ở độ sâu từ -150m tới -172m, đáy sâu nhất của kho là -192m so với mực nước biển. Kho này có sức chứa 170.000 tấn với 4 khoang chứa, chiều rộng mỗi khoang là 17m, chiều cao 22m.
Còn kho chứa khí butane nằm ở độ sâu từ -110m đến -132m, với điểm sâu nhất là -152m so với mực nước biển. Kho này có sức chứa 70.000 tấn với 2 khoang. Tổng chiều dài hầm của kho chứa gần 4,8km.
Đại diện Hyosung Vina khẳng định với kích cỡ và sức chứa này, kho ngầm LPG tại Bà Rịa – Vũng Tàu được coi là lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, trên mặt đất Hyosung còn xây dựng 10 bồn chứa khí, mỗi bồn có sức chứa 4.000 tấn. Đây cũng là bồn chứa khí lớn nhất thế giới vì đến nay các bồn cùng loại chỉ chứa được khoảng 1.000-2.000 tấn.
Để tạo ra các sản phẩm từ khí, chủ đầu tư đã nhập về Việt Nam và lắp đặt tại nhà máy một tháp tách khí cao gần 120m, có đường kính 10m. Đây cũng là tháp tách khí cao, lớn nhất thế giới.
Cách đào kho ngầm
Để đào kho ngầm chứa khí dưới lòng đất, trước tiên phải đào một đường hầm dùng để thi công. Đường hầm này sâu gần 100m và có đường kính 21m. Từ đường hầm thi công này, đào tiếp ra hai ngả và sâu xuống để tạo ra hai hầm chứa như đã nói ở trên.
Để ngăn và bịt giữa đường hầm thi công với đường hầm chứa khí, người ta đổ các lớp bêtông dày 5m. Sau đó đường hầm thi công sẽ được bơm nước vào. Cùng với đó, hai đường hầm để luồn các ống bơm xuống kho cũng được bơm đầy nước. Việc này để tạo cho hầm chứa khí được bao bọc xung quanh bằng nước.
Ngoài ra, người ta còn khoan, tạo các “rèm nước” xung quanh hầm. “Đó là để áp suất thủy tĩnh của nước xung quanh hầm lớn hơn áp suất của khí. Nhờ đó, khí không bị rò rỉ ra ngoài” – kỹ sư Hồng giải thích.