“Từ nhỏ tôi đã mơ ước mở một tiệm như thế này, nhiều lúc nằm nghĩ có phải đây là mơ hay thật, đến giờ cũng chưa tin được những gì mình đã có”- chàng trai trẻ Đặng Quốc Vĩnh, chủ xưởng cơ khí 26 tuổi ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) chia sẻ.
Làm chủ ở tuổi đôi mươi
Xưởng cơ khí rộng 35m2 của Vĩnh nằm trong con hẻm nhỏ cách quốc lộ 1A khoảng chừng 50m thuộc phường Tân Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Trong không gian rộn ràng tiếng búa và tiếng máy nổ, 3 người thợ miệt mài làm việc. Ông chủ trẻ vừa hướng dẫn cho thợ vừa tiếp chuyện với chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện.
Thoạt nhìn không ai nghĩ người đàn ông chững người kia chỉ mới 26 tuổi, khi chúng tôi thấy làm lạ, anh cười trừ: “Làm cái nghề này không có thời gian để cạo râu nữa, với lại để như thế này cho người ta nghĩ mình già mà tin tưởng”.
Sinh ra trong gia đình nông dân ở Cần Thơ, tuổi thơ của Vĩnh là chuỗi ngày cực nhọc. Khi còn nhỏ, cậu đã chứng kiến bố anh chẻ đá bằng tay, mẹ hấp bánh bông lan bằng nồi củi. Có những ngày, bố bệnh không thể chẻ đá được, gia đình mất nguồn thu nhập, lâm vào cảnh túng thiếu. Chính vì thế ước mơ sáng chế ra những cỗ máy phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng cứ nung nấu trong chàng trai trẻ từng ngày.
Chính vì sự trăn trở đó, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Vĩnh thi vào Khoa Cơ điện – điện tử của Trường Đại học Lạc Hồng. Sau 4 năm học đại học rồi tốt nghiệp loại ưu, cậu được nhận vào các công ty nước ngoài sản xuất robot với mức thu nhập ổn định. Làm được 2 năm, ước mơ với những cỗ máy đã khiến Vĩnh từ bỏ công việc bao người mơ ước để mở xưởng sửa chữa máy móc và làm gia công cái loại máy phục vụ sản xuất công nghiệp. Kể từ đó đến nay, công việc này gắn bó với chàng trai 9X.
Xuất phát từ số tiền 700 triệu dành dụm được sau 2 năm đi làm, Vĩnh mạnh dạn thuê mặt bằng, nhân công và mua thiết bị về sản xuất. Thời gian đầu khởi nghiệp với những vô vàn khó khăn mà bây giờ nhắc Vĩnh xem đó như là những bài học xương máu. Chiếc máy sấy khăn đầu tiên chàng kĩ sư chế tạo không hoạt động được khiến Vĩnh gần như kiệt quệ tinh thần. Lỗ 150 triệu chưa kể thời gian, công sức khiến kỹ sư trẻ nản chí.
Vĩnh nhớ lại, lúc đầu mở xưởng mướn 4 công nhân nhưng chưa có nhiều việc để làm, mỗi ngày qua đi lại đau đầu vì tiền công và tiền mướn mặt bằng. Chưa kể, không biết mua vật liệu xây dựng chỗ nào cho rẻ và máy móc làm không hoạt động được khiến ông chủ trẻ phải mất nhiều tháng để suy nghĩ lại từ đầu.
“Cũng nhờ có gia đình ủng hộ mà tôi mới vực dậy được khoảng thời gian đó, có khi ăn mì gói cả tuần để tiết kiệm tiền trả lương công nhân. Cũng vì bản thân quá tự tin mà không tính toán kĩ đường đi nước bước nên mới vấp ngã như vậy. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại khoảng thời gian đó, tôi thấy “ám ảnh” và tự nhủ mình phải cố gắng hơn”, anh Vĩnh kể.
Sáng chế thành công hàng loạt máy móc
Sau lần thất bại đầu tiên, Vĩnh đối diện với những dị nghị của mọi người xung quanh. Lần này làm lại từ đầu, chàng trai trẻ quyết tâm tỉ mẩn với công việc, cậu tham khảo những người thầy, người anh đi trước, học hỏi những người có kinh nghiệm để áp dụng thực tế.
Nhưng thời điểm này, kinh phí không có, nhiều lần thử nghiệm bất thành, áp lực cơm áo gạo tiền luôn hiện hữu, song Vĩnh vẫn không từ bỏ. Nhiều đêm anh thức trắng đêm để tìm tòi, lắp ráp đến khi máy chạy được mới thôi.
Sau thời gian cố gắng, đúng là ông trời không phụ lòng người, anh đã làm thành công chiếc máy ép thịt của 1 hộ gia đình đặt với giá 70 triệu đồng. Chiếc máy này được dùng để ép những miếng thịt hình tròn để làm nhân bánh. Nó vận hành với tốc độ tối đa 1s/1 miếng, tùy theo mức người chỉnh sao cho phù hợp với thời gian của người sử dụng.
Đến thời điểm hiện tại, sau 2 năm khởi nghiệp, kỹ sư 9X đã chế tạo thành công khoảng 20 máy để phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng. Ngoài ra, anh còn nhận sửa chữa bảo trì máy móc, gia công làm cầu đường, nhà xưởng cho các công trình xây dựng.
“Ai đặt máy gì thì tôi làm máy đó chứ cũng không phải làm đại trà rồi bán. Bản vẽ thì có trong đầu, chỉ cần người ta nói sơ qua về chiếc máy đó thì tôi sẽ phác thảo rồi bắt tay chế tạo ngay. Giá mỗi chiếc máy tùy loại và tùy theo khách hàng đặt”, Vĩnh nói thêm.
Tuy sau 2 năm, mọi thứ dần ổn định nhưng những khó khăn với chàng trai trẻ này còn đeo bám mãi. Vĩnh băn khoăn: “Khó khăn với người kinh doanh thì lúc nào cũng có, bây giờ thì khó khăn về nguồn vốn và nhân công lắm. Xưởng hiện nay có 10 công nhân nhưng không đủ vì có 1 nhóm đi bảo trì nhà xưởng, 1 nhóm ở lại xưởng làm việc. Với lại, có nhiều lúc khách chậm tiền mua hàng cũng túng thiếu trong trang trải sinh hoạt, sản xuất”.
Thành công mới đây nhất, Vĩnh đã chế tạo ra chiếc máy cắt gạch AAC siêu nhẹ được đưa vào cắt loại gạch bê tông khô. Loại máy này đặc biệt hơn so những máy khác trên thị trường là gạch cắt ra vuông, mịn, đẹp; máy được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, ít bụi và giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Mỗi khi bắt tay vào chế tạo một chiếc máy, anh Vĩnh luôn suy nghĩ về 2 vấn đề đó là giá thành và những người ít trình độ, người lao động phổ thông có sử dụng được không? Sau khi trả lời được hai câu hỏi này, anh Vĩnh mới bắt đầu bước vào chế tạo máy. Nhờ vậy, các loại máy do anh chế tạo ra luôn đơn giản, dễ vận hành, dễ sử dụng và đem lại hiệu quả cao.
Nói về những dự định sắp tới trong tương lai, Vĩnh cho biết: “Kết quả ngày hôm nay có được là cả một quá trình dài nghiên cứu, tìm tòi. Chỉ mong sao sau này tôi có thể chế tạo nhiều máy giúp ích cho mọi người”.
Nguồn:
https://baomoi.com/ky-su-9x-bo-viec-mo-xuong-co-khi-khoi-nghiep/c/28721604.epi