TỔ CHỨC CHỖ LÀM VIỆC VÀ KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG
1. KHÁI NIỆM
Nguội là nguyên công gia công kim loại nhờ sử dụng những dụng cụ đơn giản để tạo nên hình dáng, kích thước chi tiết theo yêu cầu. Trong công việc nguội, ngoài một số việc được cơ khí hoá (dùng máy để gia công), còn hầu hết được sử dụng bằng tay, chất lượng gia công phụ thuộc vào tay nghề của công nhân. Nguội có ưu điểm là có thể gia công được bề mặt chi tiết mà bề mặt đó khó gia công trên máy công cụ nhờ sử dụng các dụng cụ đơn giản, dễ chế tạo, có thể đạt được chất lượng gia công, ví dụ: sửa nguội khi lắp ráp. Công việc nguội rất đa dạng, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của chi tiết gia công.
2. TỔ CHỨC LAO ĐỘNG CHỖ LÀM VIỆC NGUỘI
Để bảo đảm chất lượng gia công khi nguội, cần chú ý tổ chức chỗ làm việc hợp lý khi nguội. Tổ chức chỗ làm việc là bố trí các trang thiết bị, dụng cụ, chi tiết sao cho thao tác khi làm việc được thuận tiện, tốn ít sức, áp dụng được các phương pháp tổ chức lao động tiên tiến, cơ khí hoá quá trình lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm và năng suất lao động cao. Khi tổ chức chỗ làm việc cần chú ý các yêu cầu sau:
1. Tại các chỗ làm việc chỉ bố trí các vật dụng cần thiết, xếp đặt chúng theo thứ tự nhất định để thực hiện công việc được giao một cách hợp lý nhất.
2. Dụng cụ, chi tiết gia công, các trang bị khác cần bố trí cho phù hợp với thao tác khi làm việc, những vật dụng thường xuyên sử dụng khi thao tác cần đặt ở vị trí gần, dễ lấy (hình 1.1). Ví dụ: búa để bên phía tay phải, đục để phía bên trái…
3. Dụng cụ dùng bằng hai tay cần để gần người thợ, phía trước mặt để dễ lấy khi thao tác.
4. Dụng cụ, đồ gá, chi tiết gia công khi bố trí trong các ngăn hộp cần theo nguyên tắc: vật nhỏ hay dùng nên để ở bên trên, vật lớn, nặng, ít dùng để ở phía dưới.
5. Những dụng cụ chính xác, dụng cụ đo nên bảo quản trong các hộp gỗ, bao bì riêng.
6. Sau khi kết thúc công việc, dụng cụ được iàm sạch, để đúng chỗ quy định, riêng dụng cụ đo cần bôi lên một lớp dầu mỏng để bảo quản.
Chỗ làm việc của người thợ nguội thông thường là bàn nguội. Bàn nguội có chiều cao 800 – 900 mm, chiều rộng 700 – 800 mm, chiều dài 1200 – 1500 mm. Tuỳ theo yêu cầu công việc, trên bàn nguội có thể bố trí một chỗ làm việc cho một người thợ hoặc nhiều chỗ làm việc cho nhiều người thợ. Khi bố trí trên bàn nguội có nhiều chỗ làm việc cần chú ý sao cho công việc ở các chỗ làm việc đó không ảnh hưởng đến chất lượng công việc của nhau. Ví dụ: không bố trí trên cùng bàn nguội vừa cho các công việc yêu cầu chính xác (lấy dấu, cạo…) vừa cho các công việc (đục, tán…) có thể ảnh hưởng đến công việc chính xác kể trên.
– Để thực hiện công việc nguội, thường người ta sử dụng êtô để gá đặt chi tiết trên bàn nguội. Khi chọn chiều cao êtô (bàn kẹp) cần chú ý sao cho phù hợp. Khoảng cách từ mặt làm việc của êtô tới cằm người thợ bằng một tầm chống tay (hình 1.2).
– Để phù hợp với tầm vóc người thợ, có thể bố trí bục công tác (hình 1.3) để người thợ có tầm vóc nhỏ bé có thể đứng lên khi thao tác. Tuy nhiên, việc bố trí bục công tác có thể ảnh hưởng tới diện tích mặt bằng sản xuất, tới quá trình vận chuyển…
– Bàn nguội trong một số trường hợp có cơ cấu điều chỉnh chiều cao (hình 1.4). Khi đó mỗi chân bàn bao gồm đế 1, trên đó cố định vít cấy 2, đai ốc răng vuông để điều chỉnh 3 hàn cố định với chân 4 để điều chỉnh chiều cao bàn nguội. Kết cấu này cho phép điều chỉnh chiều cao bàn từ 50 – 250 mm.
– Êtô nguội: Êtô nguội là cơ cấu dùng để kẹp chặt chi tiết gia công ở vị trí cần thiết trong quá trình nguội.
– Theo kết cấu êtô nguội có nhiều loại:
– Loại êtô chân (hình 1.5) gồm má cố định 3, má động 4, trên êtô có tấm 1 để bắt chặt êtô lên bàn. Phần thân 8 được gối lên tấm đỡ 10 bằng gỗ và kẹp chặt nhờ bulông vòng 9. Khi quay tay quay 6, qua ren vít 5 và đai ốc 2 để kẹp chặt và tháo chi tiết. Lò xo lá 7 giúp má êtô tự mở khi quay tay quay ra để tháo chi tiết.
Loại êtô chân có ưu điểm: kết cấu đơn giản, kẹp chặt, thường dùng cho các công việc nguội cần lực kẹp lớn (đục, tán, uốn…). Chiều rộng của má mỏ kẹp có các loại 100, 130, 150, 180 mm.
Nhược điểm của loại êtô này là: bề mặt kẹp phôi khó bảo đảm tiếp xúc đều, khi kẹp chi tiết theo chiều dày, mỏ kẹp chỉ tiếp xúc ở phía dưới, (hình 1.5b), khi kẹp chi tiết theo chiều rộng mỏ kẹp chỉ tiếp xúc ở phía trên (hình 1.5c), độ cứng vững khi kẹp chặt không cao, dễ tạo vết trên chi tiết. Loại êtô có hai má song song thường có hai kiểu: êtô có bàn quay và êtô không có bàn quay.
– Kiểu êtô có bàn quay (hình 1.6a) bao gồm bàn cố định được kẹp chặt trên bàn nguội, phần thân êtô 4 được lắp trên bàn cố định, có thể quay xung quanh tâm bàn cố định và giữ chặt vị trí sau khi quay nhờ bulông đưa vào rãnh vòng 12 dạng chữ T. Khi quay tay quay 5, qua cơ cấu vít me – đai ốc làm má động 6 đi vào và cùng với má tĩnh 8 kẹp chặt chi tiết.
– Êtô được chế tạo từ gang xám, riêng ở vị trí hai má êtô, nơi kẹp chi tiết được lắp thêm hai bản thép 7 có khía rãnh mặt đầu, làm từ thép cacbon dụng cụ (CD 70), tôi cứng để kẹp chi tiết được chắc và bảo đảm độ bền của êtô. Êtô quay được chế tạo có chiều rộng má êtô 80 và 140 mm, độ mở lớn nhất của hai má 95 – 180 mm.
– Kiểu êtô không có bàn quay (hình 1.6b), phần đếcủa êtô có các lỗ để đưa bulông vào lắp trực tiếp lên bàn nguội. Êtô gồm thân đế 13, má tĩnh 17, má động 16, sống trượt dẫn hướng 19. Khi quay tay quay 15, thông qua cơ cấu vít me 18, đai ốc 20 và miếng lót 14 sẽ đua má động ra, vào đề tháo, kẹp chi tiết. Êtô loại này được chế tạo có độ mở lớn nhất của hai má là 45, 65, 95, 180 mm, chiều rộng má êtô là 60, 80, 100 và 140 mm.
Êtô nguội là cơ cấu kẹp chật rất thông dụng và tiện dụng cho các công việc nguội, nhưng có nhược điểm là độ bền má kẹp không cao, nên các công việc nặng, dùng lực lớn thường ít dùng êtô để kẹp chặt.
Khi sử dụng êtô nguội cần chú ý:
1. Trước khi thao tác trên êtô cần kiểm tra xem êtô đã được kẹp chắc chắn trên bàn nguội.
2. Không sử dụng êtô nguội làm các công việc như chặt, nắn, uốn, dùng búa với lực lớn, vì có thể phá hỏng êtô.
3. Khi kẹp chặt chi tiết trên êtô, tránh dùng cánh tay đòn kẹp lớn, dài, tránh dùng xung lực để kẹp vì có thể phá hỏng vít me hoặc đai ốc của êtô.
4. Sau khi kết thúc công việc trên êtô, dùng bàn chải, giẻ làm sạch phoi, vết bẩn; bôi dầu ở các phần trượt và phần ren vít.
5. Khi không làm việc, giữa hai má êtô cần có khe hở 4 – 5 mm. Không nên vặn cho hai má ép chặt vào nhau vì dễ phát sinh ứng suất ảnh hưởng đến mối lắp ghép vít me – đai ốc.
6. Để tránh gây biến dạng, vết trên bề mặt chi tiết, khi kẹp trên êtô nên sử dụng các miếng đệm bằng kim loại mềm đặt lên má êtô trước khi kẹp chi tiết.
Êtô tay (hình 1.7) dùng để kẹp chi tiết có kích thước không lớn bằng ren vít, sau đó dùng tay giữ êtô để gia công (giũa, khoan…). Kích thước của êtô tuỳ thuộc vào chi tiết cần kẹp và tính chất của công việc. Thông thường, êtô tay có chiều dài 125 — 150 mm, chiều rộng mỏ kẹp 40 và 44 mm.
3. AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI NGUỘI
– Người lao động trước khi làm việc phải được học về an toàn lao động. Khi vào làm việc ở các xưởng sản xuất phải tuân theo các quy định, nội quy về an toàn lao động trong phân xưởng.
– Những nguy cơ gây tai nạn lao động trong xưởng cơ khí có rất nhiều: từ các chi tiết gia công có trọng lượng lớn, phôi kim loại, cạnh sắc trên chi tiết; từ các bộ phận máy, dụng cụ khi quay, dịch chuyển; từ những phương tiện vận chuyển như xe đẩy, băng tải ở dưới đất, cầu trục ở trên cao; từ những nguy cơ trong các mạng điện, cơ cấu điều khiển điện, việc nối mát thiết bị…Sau đây sẽ giới thiệu các quy định bảo đảm an toàn lao động:
Trước khi làm việc cẩn phải:
1. Quần áo, đầu tóc gọn gàng, không gây nguy hiểm do vướng mắc, khi lao động phải sử dụng các trang bị bảo hộ: quần áo, mũ, giày dép, kính bảo hộ…
2. Bố trí chỗ làm việc có khoảng không gian dễ thao tác, được chiếu sáng hợp lý, bố trí phôi liệu, dụng cụ, gá lắp để thao tác dược thuận tiện, an toàn.
3. Kiểm tra dụng cụ, gá lắp trước khi làm việc: bàn nguội kê chắc chắn, êtô kẹp chặt trên bàn nguội, các dụng cụ như búa, đục, cưa…được lắp chắc chắn.
4. Kiểm tra độ tin cậy, an toàn của các phương tiện nâng chuyển khi gia công vật nặng, độ an toàn của các thiết bị điện.
Trong thời gian làm việc:
1. Chi tiết phải được kẹp chắc chắn trên êtô, tránh nguy cơ bị tháo lỏng, rơi trong quá trình thao tác.
2. Dùng bàn chải làm sạch chi tiết gia công và phôi, mạt thép, vảy kim loại trên bàn nguội (không được dùng tay làm các công việc trên).
3. Khi dùng đục chặt, cắt kim loại cần chú ý hướng kim loại rơi ra để tránh hoặc dùng lưới, kính bảo vệ.
Khi kết thúc công việc:
1. Thu dọn, xếp đặt gọn gàng lại chỗ làm việc.
2. Để dụng cụ, gá lắp, phôi liệu vào đúng vị trí quy định.
3. Các chất dễ gây cháy như dầu thừa, giẻ dính dầu… cần thu dọn vào các thùng sắt, để ở chỗ riêng biệt.
Chào add ạ!
Em thấy những bài viết trên đây đều rất chuyên nghiệp và cụ thể, đặc biêt là sự minh hoạ rất rõ ràng bằng các sơ đồ và hình ảnh (mặc dù chỉ là hình vẽ đen trắng). Không biết những hình ảnh minh hoạ đó là add lấy từ quyến sách nào vậy ạ? Em tìm mãi mà không ra ạ.