Trong bất kì ngành học nào, ghi nhớ là phần quan trọng nhất, thế nhưng không phải ai cũng biết cách áp dụng các phương pháp khác nhau để cải thiện trí nhớ bản thân.
Để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào (ở trường học, công sở, học một môn nghệ thuật…), chúng ta cũng cần phải nắm vững nghệ thuật lĩnh hội và lưu giữ thông tin hay kiến thức mới. Phương pháp đơn giản dưới đây sẽ trả lời giúp bạn câu hỏi “Làm thế nào để tăng khả năng lĩnh hội và ghi nhớ kiến thức đến 50% những thông tin mà bạn cần học”.
Hãy thử tượng tượng rằng, bạn sắp phải trải qua một kỳ thi và bạn đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị bài vở. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn “học gạo” để ghi nhớ kiến thức thì chắc chắn rằng, những bài học bổ ích sẽ “bay hơi” nhanh chóng ngay sau khi bạn đặt bút chấm hết bài kiểm tra, hoặc thậm chí bạn chẳng còn chữ nào trong đầu khi bước chân vào phòng thi nữa.
Kỹ thuật khoa học cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn tăng khả năng học tập và ghi nhớ kiến thức tới 50%, theo ông B. Price Kerfoot- Giáo sư phẫu thuật tại trường Y Harvard. Đặc biệt thích hợp khi bạn muốn ghi nhớ danh mục và các từ vựng, phương pháp này không hề khó và phức tạp mà ngược lại, vô cùng đơn giản và ai cũng có thể áp dụng được nếu hiểu được nguyên tắc thực hiện nó.
Bạn hẳn đã nghe nói tới kỹ thuật “lặp lại cách quãng” ( Spaced repetition), giúp chúng ta lưu giữ một lượng lớn thông tin, mà về cơ bản, phương pháp này đòi hỏi chúng ta phải thiết lập những khoảng thời gian cách quãng giữa việc ghi nhớ và việc trình bày lại thông tin đã được học. Chúng ta đang nói đến phương pháp Leitner hay hệ thống Leitner – được nhà văn và nhà bình luận viên Xã hội Sebastien Leitner phát triển vào những năm 1970s.
Theo phương pháp này, thông tin sẽ được trình bày trên những mẩu giấy nhỏ hay các thẻ nhỏ (còn gọi là flashcard) giúp người học kiểm tra lại xem họ đã ghi nhớ được thông tin cần lĩnh hội hay chưa.
Không ít người biết tới phương pháp này, song để ghi nhớ được thông tin một cách hiệu quả nhất thì không phải ai cũng áp dụng đúng cách. Vậy, chúng ta cần phải thực hiện những bước cơ bản nào, và cần lưu ý những điểm mấu chốt nào?
Trước hết, hãy chuẩn bị những thẻ giấy có kích thước tương tự những tấm bưu thiếp nhỏ
Học từng thẻ một bằng cách: đọc câu hỏi đã viết trên thẻ trước khi kiểm tra câu trả lời ở mặt sau. Với mỗi câu trả lời đúng, bạn di chuyển thẻ đến hộp số 2, nếu trả lời sai, bạn đặt lại thẻ vào hộp số 1.
Hộp số 2: với mỗi câu trả lời đúng ở hộp số 2, bạn di chuyển thẻ đến hộp số 3. Trả lời sai, bạn di chuyển thẻ về hộp số 1.
Áp dụng tương tự với các hộp số còn lại cho đến khi bạn “gom” đủ số thẻ vào hộp cuối cùng.
Cần chú ý:
Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho những hộp có số thứ tự nhỏ hơn vì đó là nơi chứa những thẻ từ hay nội dung khó nhớ nhất.
Vạn sự khởi đầu nan! Bạn có thể thấy nhàm chán trong thời gian đầu áp dụng phương pháp này. Nhưng hãy cố gắng kiên trì thực hiện để nó trở thành một thói quen hàng ngày, bạn chắc chắn sẽ thành công!