1/ Vẽ quy ước then, then hoa và chốt
1.1/ Khái niệm
Ghép bằng then là loại mối ghép tháo được, thường sử dụng trong mối ghép với trục.
Then là chi tiết được tiêu chuẩn hoá, kích thước của then được chọn theo kích thước danh nghĩa của trục và lỗ. Kích thước của then gồm 03 kích thước: rộng, cao, dài ( b x h x l ) và số hiệu tiêu chuẩn của then. Then gồm các loại sau: Then vát, then tiếp tuyến, then bằng, then bán nguyệt.
a/ Then bằng
– Là then dạng hình hộp chữ nhật với kích thước rộng x cao x dài ( b x h xl), sử dụng để truyền lực và mô men nhưng nhỏ. Được quy định trong tiêu chuẩn TCVN 2261-77.
b/ Then bán nguyệt
Then bán nguyệt được quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4217-86. Với hai thông số rộng x cao ( b x h ). Loại then này dùng để truyền lực và mô men tương đối nhỏ nhưng có khả năng tự điều chỉnh được vị trí.
c/ Then vát
Then vát được quy định trong TCVN 4214-86. Đây là loại dùng để truyền lực và mô men lớn. Loại then này được chia làm ba loại: then tròn, then vuông, then mấu.
1.2/ Ghép bằng then bằng
Then bằng dùng trong các cơ cấu tải trọng nhỏ và trục lắp trượt hay lắp cố định với lỗ bằng vít. Khi lắp hai mặt bên của then là mặt tiếp xúc.
Then bằng có kiểu đầu tròn, kiểu đầu vuông về hình dạng và cách thể hiện mối ghép then xem trên hình 8.12 và 8.13 :
1.3/ Ghép bằng then hoa
a/ Khái niệm
Để truyền được lực và mô men lớn người ta dùng mối ghép then hoa, theo tính chất mối ghép then hoa có ba loại sau:
- Mối ghép then hoa chữ nhật: TCVN 1803-76, profin răng hình chữ nhật.
- Mối ghép then hoa thân khai: TCVN 1801-76, profin răng dạng thân khai.
- Mối ghép then hoa tam giác: TCVN 1802 – 76 , profin răng dạng tam giác.
Các thông số cơ bản của then hoa đã được tiêu chuẩn hoá. Kích thước danh nghĩa của then hoa bao gồm: số răng, đường kính trong d, và đường kính ngoài D. Tương ứng với mỗi kích thước ta có một chiều rộng b.
b/ Cách định tâm
Căn cứ vào mặt định tâm giữa trục và lỗ then hen hoa, người ta quy định ba loại định tâm của mối ghép then hoa răng thẳng.
- Định tâm theo đường kính ngoài: có độ hở ở đường kính trong.
- Định tâm theo đường kính trong: có độ hở ở đường kính ngoài
- Định tâm theo mặt bên b: có độ hở ở đường kính ngoài và đường kính trong. Kí hiệu của mối ghép then hoa gồm có:
- Kí hiệu của bề mặt định tâm
- Kích thước dạnh nghĩa của mối ghép ( Z x d x D)
- Kí hiệu dung sai mối ghép.
1.4/ Ghép bằng chốt
Chốt dùng để lắp ghép hay định vị các chi tiết lắp ghép với nhau. Chốt là chi tiết được tiêu chuẩn hoá, gồm có hai loại: Chốt trụ và chốt côn.
Chốt côn: Có độ côn bằng 1: 50 và lấy đường kính đầu bé làm đường kính danh nghĩa.
Kích thước của chốt trụ và chốt côn được quy định trong TCVN 2042-86 và TCVN 2041-86.
Kí hiệu của chốt gồm có: Đường kính danh nghĩa d, kiểu lắp ( đối với chốt trụ), chiều dài l, và số hiệu tiêu chuẩn của chốt.
Ví dụ:
- Chốt trụ 10 x 50 TCVN 2042-86
- Chốt côn 10 x 50 TCVN 2041 – 86